Triệu chứng cúm A ở trẻ và cách điều trị cúm A tại nhà

Dịch cúm A năm 2022 bùng phát bất thường giữa mùa hè, trong đó, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao. Những triệu chứng cúm A ở trẻ nhỏ, cách điều tri cúm A cho trẻ tại nhà hay trẻ bị cúm A bao lâu thì khỏi là kiến thức cha mẹ nên trang bị để bảo vệ trẻ trước dịch bệnh.

Bệnh cúm A là gì?

Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, gây ra bởi các chủng virus cúm A phổ biến như: A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9. Bệnh cúm A thường gặp khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt rầm rộ vào mùa đông - xuân.


Từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 đến nay nhiều ổ dịch cúm A đã được phát hiện tại nhiều tỉnh thành phía Bắc. Việc dịch cúm A bùng phát ngay giữa mùa hè với số ca nhiễm gia tăng đột biến là hiện tượng bất thường và khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Cúm A dễ dàng lây lan qua đường hô hấp, qua không khí chứa các giọt bắn nước bọt khi ho, hắt hơi, hay dịch tiết mũi họng do khạc nhổ. Tỷ lệ lây lan cao khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiêm virus, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Đối tượng dễ lây nhiễm nhất là trẻ nhỏ, người già sức đề kháng yếu, người lớn mắc bệnh mãn tính.
 

Triệu chứng cúm A ở trẻ

Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ lây nhiễm virus cúm A do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Vì vậy cha mẹ cần hết sức chú ý các triệu chứng cúm A ở trẻ để phòng và điều trị kịp thời.


Các dấu hiệu nhận, triệu chứng ở trẻ bị cúm A:

Thời gian ủ bệnh: Trong giai đoạn đầu khi trẻ nhiễm virus cúm, bệnh có thể ủ từ 2-8 ngày hoặc 15 ngày.

Ở giai đoạn này thường không có triệu chứng, nhưng nếu xác định được nguồn bệnh truyền nhiễm mà trẻ tiếp xúc và thời gian ủ bệnh có thể giúp cha mẹ phòng bệnh sớm cho trẻ, tăng cường đề kháng và điều trị sớm ngay khi có dấu hiệu.

Giai đoạn lâm sàng: Khoảng từ 3-5 ngày, trẻ mắc cúm A sẽ có những triệu chứng cơ bản.
  • Sốt hoặc sốt cao
  • Sổ mũi, nghẹt mũi
  • Khò khè, khó thở
  • Ho, ho đờm, rát họng
  • Mệt mỏi và quấy khóc
Giai đoạn trở nặng: Nếu bệnh cúm A diễn biến nặng trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện như:
  • Sốt cao trên 38,5 độ C, thậm chí đến 40-41 độ C.
  • Trẻ có biểu hiện bị co giật, da tái, xanh xao.
  • Trẻ ngủ li bì, mệt mỏi, ăn kém, bỏ ăn, nôn trớ, chân tay lạnh.
  • Trẻ có biểu hiện khó thở, thở gấp, lồng ngực phập phồng.
Một số trẻ có thể bị tiêu chảy, đau tai, đau mắt đỏ, đau đầu, đau nhức người.

Cúm A ở trẻ bao lâu thì khỏi?

Ở giai đoạn bệnh cúm khởi phát, triệu chứng nhẹ, nếu được điều trị tốt, các triệu chứng bệnh sẽ gần như thuyên giảm hoàn toàn sau 5-7 ngày. Tất cả triệu chứng bệnh sẽ biến mất trong vòng 7 – 10 ngày. Thời gian hồi phục hoàn toàn ước tính từ 1-2 tuần.


Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành bệnh nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm như: như: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm long đường hô hấp, tiêu chảy cấp,...

Đặc biệt, một trong các biểu hiện đáng lo ngại nhất ở trẻ khi bị cúm là sốt cao và co giật. Một số trường hợp trẻ sốt liên miên, không hạ được cơn sốt, dẫn đến co giật có thể gây ảnh hưởng não bộ. Đây là điều phụ huynh cần đặc biệt chú ý khi trẻ cúm, sốt cao. Bởi không cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.

Chăm sóc trẻ bị cúm A tại nhà

Về cơ bản, cúm A là một căn bệnh khá phổ biến và lành tính, chỉ xử lý tốt trẻ sẽ sớm hồi phục. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có các triệu chứng cúm A như: hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt…cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần bình tĩnh xử trí tùy theo các cấp độ bệnh.


Dưới đây là một số điều cần làm để chăm sóc và xử lý khi trẻ bị cúm A tại nhà:

Theo dõi thân nhiệt của trẻ: Đo nhiệt độ và theo dõi thân nhiệt của trẻ thường xuyên (khoáng 4-5 tiếng/lần) để biết trẻ sốt cao hay không và tìm cách hạ sốt. Nếu trẻ sốt cao, không hạ được sốt, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt: Trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 - 39 độ C, có thể hạ sốt bằng các loại thuốc như: Acetaminophen, Ibuprofen,…

Ngoài ra, có thể hạ sốt và giảm triệu chứng cúm cho trẻ bằng một số mẹo dân gian như: cho trẻ uống trà gừng mật ong (giúp giảm nghẹt mũi, làm ấm); xông hơi cho trẻ bằng lá tía tô (làm lỏng dịch mũi và giảm sổ mũi); giã lá húng chanh lấy nước cốt cho trẻ uống (tác dụng giảm ho đờm, sát khuẩn họng).

Vệ sinh mũi cho trẻ: Vệ sinh mũi cho trẻ 3 – 4 lần/ngày bằng nước muối sinh lý để làm lỏng dịch mũi, giảm sổ mũi, nghẹt mũi, giúp trẻ dễ thở hơn.

Lau người bằng nước ấm: Lấy một chiếc khăn mỏng, mềm nhúng vào nước ấm, vắt khô nước rồi lau khắp người cho trẻ. Hãy lau kỹ ở các vị trí như: nách, bẹn và trán để cơ thể nhanh thoát nhiệt. Việc này có tác dụng giúp trẻ hạ sốt nhanh hơn.

Bổ sung dinh dưỡng: Cho trẻ ăn, uống đủ các nhóm chất dinh dưỡng để tăng đề kháng và phục hồi thể trạng. Khi trẻ bị cúm A cha mẹ hãy:
  • Cho trẻ ăn đủ nhóm chất đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất
  • Bổ sung cho trẻ các loại trái cây giàu vitamin C như: cam, quýt, ổi,…
  • Khi chết biến thức ăn hãy làm mềm, hoặc chọn món dễ tiêu hóa như cháo hoặc súp
  • Bổ sung nhiều nước và các chất điện giải cho trẻ khi bị sốt cao, tiêu chảy.
Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều: Để trẻ được nghỉ ngơi thoải mái hoặc ngủ nhiều hơn trong không gian thoáng mát, yên tĩnh để sớm phục hồi thể trạng.

Bệnh cúm A ở trẻ sẽ khỏi dễ dàng nếu được phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên chủ quan, theo dõi các triệu chứng liên tục và khi có biểu hiện bất thường hãy ngay lập tức đưa trẻ đi bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn