Virus Adeno gây bệnh gì? Nhiễm virus Adeno nguy hiểm ra sao?

Trong khi dịch Covid 19 vẫn đang âm thầm tiếp diễn thì thông tin về virus Adeno có số lượng người nhiễm gia tăng đột biến, đặc biệt là trẻ em tiếp tục khiến cho cộng đồng quan tâm, lo lắng. Được biết, virus Adeno gây tỷ lệ tử vong ở trẻ em là 8-10%. Vậy Virus Adeno là gì, gây bệnh gì và phương thức lây truyền, phòng tránh ra sao? 

Virus Adeno là gì?

Virus Adeno được phát hiện lần đầu vào năm 1953 tại mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể người. Loại  virus này thuộc họ Adenoviridae, được phân thành 2 nhóm chính là: 

  • Nhóm gây bệnh ở chim (Avi Adenovirus) 
  • Nhóm gây bệnh ở động vật có vú (Mastadenovirus) bao gồm cả con ngườii  
Các chuyên gia nghiên cứu đã phân lập được 47 loại virus Adeno. Trong đó bao gồm:

  • Túyp 1-5, 7, 14 và 21 vừa gây bệnh viêm họng hạch vừa gây bệnh viêm kết mạc.
  • Túyp 40 và 41 gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em.
  • Túyp 5, 8, 19 gây ra các bệnh nặng hơn.

Adenovirus gây bệnh ở người có thể tồn tại và gây bệnh trong thời gian dài ở ngoại cảnh. Có thể sống  sót khoảng 30 ngày ở nhiệt độ phòng, hoặc nhiều tháng hơn ở 40°C, và  ở nhiệt độ - 200°C  có thể tồn tại được nhiều năm. Tuy nhiên, virus này có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím và môi trường nước sôi 100°C. Virus bị mất độc lực nhanh và chết ở 56°C trong 3 – 5 phút.

Theo thống kê của Bộ y tế, từ đầy năm 2022 đến giữa tháng 9/2022, số trẻ mắc đã tăng lên 1.406, có 7 ca tử vong. Trên thực tế, virus này không chỉ gây bệnh ở trẻ em mà có thể gây bệnh cho mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ nhiễm virus cao hơn do sức đề kháng kém.

Virus Adeno gây những bệnh gì? 

Virus Adeno có khả năng gây bệnh ở nhiều cơ quan, bộ phân trong cơ thể như đường hô hấp, tiêu hóa, mắt… Dưới đây là các bệnh lý phổ biến do virus Adeno gây ra:

Viêm đường hô hấp cấp 

Người bệnh sẽ có biểu hiện: viêm họng, hạch cổ sưng đau, ho, sốt có thể trên 39°C. Tình trạng viêm đường hô hấp cấp tính, thường khỏi nhanh sau 3 – 4 ngày. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ nhỏ và người cao tuổi.


Viêm kết mạc mắt

Viêm kết mạc mắt hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, thường lây lan quan nước hồ bơi. Triệu chứng khi mắc bệnh là kết mạc mắt đỏ (một hoặc cả hai bên), có chảy dịch trong. Nếu không điều trị kịp thời dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Bệnh viêm dạ dày – ruột

Người bị viêm dạ dày, ruột do virus Adeno có biểu hiện đi ngoài nhiều nước. Tình trạng này kéo dài khoảng 7 ngày kèm theo triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn và các dấu hiệu như viêm đường hô hấp, viêm kết mạc. 

Virus Adeno gây bệnh ở đường tiêu hóa được đào thải qua phân và cũng có thể trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Bệnh viêm bàng quang

Virus Adeno còn gây ra viêm bàng quang ở trẻ nhỏ, đặc biệt là bé trai. Chúng có thể trú ngụ trong dòng nước tiểu của người bệnh. Ngoài ra, virus này còn tìm được niệu đạo và tử cung. Vì thế, đây còn được coi là căn bệnh lây qua đường tình dục.

Một số bệnh lý khác do virus Adeno gây ra 

Nghiên cứu của Giới chức Y tế Anh và Mỹ cho thấy, virus Adeno có thể là nguyên nhân gây viêm gan nặng ở trẻ em. 

Những trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng (ủ bệnh) vẫn có khả năng lây lan cho cộng đồng. Một số khác khi điều trị khỏi, người bệnh chỉ có miễn dịch với cùng chủng virus Adeno gây bệnh và không có khả năng miễn dịch với chủng Adeno khác. 

Phương thức lây truyền của Virus Adeno

Virus Adeno dễ dàng lây nhiễm trong cộng đồng qua nhiều phương thức lây truyền, trong đó phổ biến nhất là:

  • Lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc giữa người với nguồn bệnh.  
  • Lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm virus. 
  • Lây khi gián tiếp khi dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm Virus Adeno.
  • Lây truyền qua giọt bắn, nước bọt, các hạt khí thông qua đường hô hấp.

Adeno Virus có thuốc điều trị chưa? Phương pháp điều trị ra sao? 

Virus Adeno hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để điều trị bệnh, các bác sĩ thường kê thuốc điều trị triệu chứng kết hợp với nâng cao sức đề kháng, miễn dịch và vitamin C cho người bệnh. 

Khi được điều trị đúng cách, bệnh do virus Adeno có thể khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình trạng nhiễm trùng như đau mắt đỏ, viêm phổi, bệnh có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn.

Khi mắc bệnh do virus Adeno người bệnh nên uống nhiều nước để bổ sung bù nước, do cơ thể dễ mất nước sau khi sốt, nôn mửa, tiêu chảy,... Có thể bổ sung nước trái cây, nước lọc, nước điện giải hoặc tiêm truyền. 

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên hỗ trợ vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên. Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm, phun sương giúp làm dịu tắc nghẹt, để trẻ hô hấp dễ dàng hơn.

Theo báo chí đưa tin, Bệnh viện Nhi Trung ương thống kê, từ đầu năm tới nay đã ghi nhận hơn 1.400 trẻ nhiễm virus Adeno, trong đó có khoảng 80% là bệnh nhi đến từ các quận, huyện của Hà Nội. Số ca mắc bệnh nhập viện tăng nhanh từ tháng 8 tới nay với hơn 1.300 ca. Tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã ghi nhận gần 100 bệnh nhi mắc Adeno virus. 

Nhiều cơ sở y tế khác của Hà Nội cũng ghi nhận trẻ nhiễm và nghi nhiễm Adenovirus. Vì vậy, hãy hết sức cẩn trọng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cho chính mình nơi công cộng. Hãy cho trẻ đi thăm khám kịp thời khi có các dấu hiệu nhiễm virus. 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn