NFT đang có dấu hiệu giảm nhiệt

Theo quan sát, lượng người mua NFT đơn lẻ và các game blockchain đời cũ đang giảm dần khiến lĩnh vực này phải ráo riết tìm hướng đi mới để phát triển.


NFT (non-fungible token) là một loại tài sản số dựa trên chuỗi khối blockchain, được đánh giá là có tính chính danh và độc quyền duy nhất khi sở hữu. Năm 2021, NFT nổi lên như một cơn sốt toàn cầu với nhiều tác phẩm được bán có giá từ vài trăm nghìn USD tới hàng chục triệu USD.

Thống kê từ website NonFungible cho thấy, tổng giá trị NFT giao dịch trong năm 2021 đạt 17,6 tỷ USD, tăng 21.350% so với mức 82,5 triệu USD của năm 2020. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, cơn sốt NFT dường như đang có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các NFT đơn lẻ giảm độ “nóng”

Theo dữ liệu từ CryptoSlam, một công ty theo dõi thị trường tiền số, lượng người mua các NFT đơn lẻ đã rơi từ mức đỉnh điểm là 998.271 lượt hồi tháng 1 xuống chỉ còn 664.077 lượt vào hồi cuối tháng 3. Doanh thu toàn cầu lĩnh vực NFT cũng sụt gần một nửa, từ 4,6 tỷ USD xuống 2,4 tỷ USD.

Trang NonFungible cho biết, trung bình một NFT có giá 2.500 USD vào giữa tháng 3, giá này đã giảm 48% so với mức đỉnh hồi tháng 11/2021. Cùng với đó, lượng tài khoản tham gia giao dịch NFT hàng tuần cũng sụt từ 380.000 xuống 194.000 trong cùng giai đoạn.


Trên sàn OpenSea, khối lượng giao dịch NFT hàng ngày giảm 80%, từ mức kỷ lục 248 triệu USD vào tháng 2 xuống 50 triệu USD vào 11/3.

Theo đó, giá của bộ sưu tập NFT hình vượn nổi tiếng Bored Ape - tùng có giá hàng chục triệu USD được nhiều người nổi tiếng săn đón cũng đã giảm 44% kể từ cuối tháng 2.

Sự săn đón và hào hứng của người dùng đối với NFT dường như đang đi xuống. Nhiều NFT triệu USD giờ đã không còn đủ sức hút. Hay như, dòng tweet đầu tiên của người sáng lập Twitter Jack Dorsey từng có giá 2,9 triệu USD, hiện tại chỉ được trả giá 280 USD.

Game NFT cũng đang “hạ nhiệt”

Game NFT được coi là lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển của thị trường NFT cũng đang “chững lại”. So với các thể loại game truyền thống, game NFT thu hút người chơi hơn ở tính năng kiếm tiền (Play to Earn). Hình thức game kiếm tiền đã xuất hiện từ cách đây khoảng 5 năm, tuy nhiên nó được chú ý nhiều hơn từ năm ngoái, thông qua hiện tượng Axie Infinity.

Axie Infinity của Sky Mavis hiện đang là game NFT đình đám nhất thế giới. Trò chơi 3 năm tuổi này phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Philippines. Khi tham gia, người chơi sẽ nhận token từ hệ thống nhiệm vụ trong game, sau đó sử dụng chúng giao dịch qua các sàn và thu về tiền thật.


Thế nhưng, từ cuối năm ngoái, 2 loại token liên quan đến game là AXS và SLP giảm giá nên người chơi cũng không còn kiếm được nhiều tiền như trước. Các số liệu do công ty tư vấn trò chơi Naavik thu thập cho thấy, cuối 2021, người chơi Axie Infinity ở Philippines chỉ có thể kiếm được số tiền mỗi tháng thấp hơn tiền lương tối thiểu của nước này.

Tuy nhiên, lĩnh vực game NFT vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực để duy trì thị trường NFT. Magic Eden - một nền tảng giao dịch NFT dựa trên blockchain Solana, mới đây đã huy động được 27 triệu USD. Magic Eden được thành lập hồi tháng 9 năm 2021 và hiện là sàn giao dịch NFT lớn thứ hai thế giới tính theo khối lượng giao dịch, chỉ xếp sau sàn OpenSea.

Nhà đồng sáng lập Magic Eden, Jack Lu, hy vọng nguồn vốn mới sẽ có thể thúc đẩy sự tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo của công ty, với "phần lớn trong số đó sẽ là thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động game NFT".

"Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực game NFT bởi đó là trải nghiệm tuyệt vời khi tham gia NFT và Web3", Eden viết trong một bài đăng trên blog hồi tháng 3. "Khác với các game truyền thống, người chơi game NFT có quyền sở hữu các vật phẩm game như một tài sản và có giá trị ngoài đời thực. Đó cũng là phương thức để đưa cộng đồng game thủ đến với lĩnh vực tiền điện tử".

Mô hình NFT kiếm tiền cần được mở rộng

Theo giới chuyên gia, các game NFT hiện nay không bền vững, bởi đa phần người chơi chủ yếu "cày cuốc" để rút tiền hơn là chi tiền trở lại trong game. Điều này có nghĩa, game sẽ luôn cần nhiều người chơi mới. Nếu không có yếu tố này, game sẽ nhanh chóng đi xuống sau thời gian.

Một số công ty game cố gắng đa dạng hơn các loại hình chơi để thu hút người tham gia. Trong đó là StepN - trò chơi mở ra xu hướng “move to earn”, cho phép game thủ kiếm tiền bằng cách mua bán vật phẩm, cho thuê giày NFT và chạy bộ để kiếm token, sau đó có thể quy đổi thành tiền thật.


StepN, đặt trụ sở tại Australia, được sáng lập bởi hai thành viên là doanh nhân Trung Quốc là Jerry Huang và Yawn Rong. Game ra mắt vào tháng 12/2021, đã thu về 20 triệu USD ngay trong quý đầu tiên, phần lớn nhờ các giao dịch NFT trong game. Nhật Bản và Mỹ hiện đang là thị trường lớn nhất của ứng dụng này.

Theo nhà sáng lập Yawn Rong, game StepN, kỳ vọng duy trì số người chơi thường xuyên, cũng như thu hút lượng lớn người tham gia mới mỗi tháng. Hai yếu tố này sẽ được ưu tiên để đảm bảo tính bền vững cho game. Ngoài ra, game cũng giúp quảng bá tiền điện tử tốt hơn. "Mọi thứ chúng tôi đang làm đều hướng tới mục đích là nâng cao vị thế tiền điện tử", Rong chia sẻ.

Một số nhà phân tích cho rằng, hiện tiền số và NFT vẫn khá sơ khai và thiếu tính bền vững. "Chơi game để kiếm tiền là mục tiêu chính. Nếu yếu tố này suy yếu, các dự án game sẽ sớm lụi tàn", một chuyên gia nhận định.

NFT (non-fungible token) - chứng nhận tài sản số trên chuỗi khối blockchain. Theo từ điển Collins, trong năm 2021, tần suất sử dụng từ khóa NFT tăng 11.000% so với năm trước và trở thành từ khóa xu hướng nổi bật của năm.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn