Câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” có ý nghĩa gì?

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một trong những điều nên làm đầu năm để cả năm may mắn, tài lộc? Tuy nhiên phong tục “đầu năm mua muối” bắt nguồn từ đâu, có ý nghĩa gì thì không phải ai cũng biết.

Ý nghĩa việc mua muối đầu năm

Đây là một tập tục của người Việt được truyền qua nhiều thế hệ. Vào ngày đầu tiên của năm mới người ta sẽ mua muối mang về nhà như một cách để rước may mắn vào nhà và cầu mong cho một năm mới no ấm, đủ đầy, thuận lợi, sung túc.

Theo người xưa, muối có tác dụng xua đuổi ma quỷ, trừ tà khí, chống xú uế. Nhiều người thường rắc muối trước cửa hay những nơi được cho là có tà ma là thế.


Ngoài ra, muối còn có ý nghĩa trong tình cảm vợ chồng, gia đình. Xuất phát từ câu tục ngữ “gừng cay muối mặn”, muối đại diện cho sự mặn mà, gắn kết, hòa thuận giữa vợ chồng, con cái, thành viên trong gia đình.

Một ý nghĩa khác của việc mua muối đầu năm đó là tự răn mình tiết kiệm trong ăn uống chi tiêu nhờ đó có thể dành dụm để “cuối năm mua vôi” xây nhà.

Ở miền Bắc, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những gánh muối trên khắp các đường làng, ngỏ hẻm, những túi muối nhỏ quả quanh khu vực chùa chiền vào những ngày đầu năm và hình ảnh người mua kẻ bán tấp nập. Người bán muối khi bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi muối có ngọn mới mang đến sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm.

Muối bán trong ngày đầu năm mới được gọi là “muối lộc”, sẽ được chia thành túi nhỏ hoặc lì xì để cất giữ. Người bán hàng có thể để ở quầy hàng cho buôn may bán đắt. Người đi làm xa có thể bỏ 1 chút vào túi đem theo người để cầu thuận lợi, bình an.

Vì sao “cuối năm mua vôi”?

Theo quan niệm của người xưa, vôi trắng là biểu tượng cho sự bạc bẽo - “bạc như vôi”, vậy nên người ta thường tránh mua vôi đầu năm để không gặp những chuyện xui rủi, những hiềm khích, rạn nứt đổ vỡ trong các mối quan hệ tình cảm cũng như công việc.

Thay vào đó mọi người thường mua môi vào những ngày cuối năm, đặc biệt là sau 23 tháng Chạp để làm mới lại tường nhà, cổng, hàng rào,... chuẩn bị đón năm mới. Quét vôi trắng cuối năm cũng là một cách để xóa đi những điều không may mắn trong năm cũ, mang để một sự khởi đầu mới tinh khôi hơn hay sửa chữa những sai lầm, khắc phục hậu quả.


Một tin ngưỡng dân gian khác giải thích cho việc mua vôi cuối năm là để tiếp vôi cho “ông bình vôi”. “Ông bình vôi” là vậy dụng bằng sành sứ, dùng để ăn đựng vôi têm trầu và là vật thiêng trong nhà. Người xưa, cũng có thói quen mời khách ăn trầu đầu năm nên mua vôi cuối năm là để cho “ông” ăn no và để bình vôi, cơi trầu luôn đủ đầy cuối năm.

Ngoài ra, theo các thầy pháp, vôi là thứ có tác dụng trừ tà, ngăn ma quỷ. Trong sự tích cây nêu, cũng kể rằng từ xa xưa, quỷ dữ ỷ đông áp bức và chiếm hết đất đai của con người. Con người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chịu điều khoản “ăn ngọn cho gốc”. Cả năm canh tác chỉ còn lại rơm rạ. Để cứu dân, đức Phật chỉ con người 3 thứ để đánh lại ma quỷ, trong đó có vôi bột.

Và cho đến ngày nay, nhiều gia đình vẫn thường mua vôi bột về rắc bốn góc vườn và cổng, để xua đuổi ma quỷ ra khỏi lãnh thổ của gia đình mình, khi mà ông Công ông Táo về trời và không còn ai trấn giữ trong gia đình.

Trên đây là những giải thích cho ý nghĩa câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Chúc bạn và gia đình có một mùa Tết an khang, gặp nhiều may mắn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn